Toàn cảnh khu sinh thái là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí đẹp đến lạ thường. Đến thăm quan khu du lịch sinh thái Tràng An, du khách sẽ được trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc, khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và tinh tuý cùng bầu không khí thanh như lọc và tự hào với những nét vàng son của lịch sử in đậm trong thế núi, dáng sông ở buổi đầu sơ khai của quá trình dựng nước của ba triều đại Vua sáng:Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành và Vua Lý Thái Tổ.
Sự kết hợp của các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, Tâm linh và Di tích lịch sử tạo nên những tua du lịch lễ hội phong phú, hấp dẫn. Sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo, thân thiện của đội ngũ hướng dẫn viên và người dân địa phương luôn làm hài lòng du khách. Xin kính chúc quý khách có một chuyến du lịch bổ ích và lý thú.
Theo quy hoạch, khu du lịch sinh thái Tràng An có 9 tuyến du lịch đường thuỷ và 2 tuyến du lịch đường bộ. Nhưng hiện nay, mới đưa vào khai thác phục vụ khách đến thăm quan du lịch một tuyến du lịch đường bộ và một tuyến du lịch đường thuỷ .
Tuyến du lịch đường bộ: Với chiều dài 1,6 km, du khách sẽ đi bộ qua 3 quèn vào đền Trần. Tuyến này bắt đầu từ bến Cây Bàng, đây là tuyến du lịch rất thú vị. Du khách sẽ đi bộ, leo núi qua ba đèo liền nhau. Đèo thứ nhất là đèo Cậy (Vì dưới thung có nhiều cây Cậy) có độ cao so với mặt nước khoảng 60m. Đèo thứ hai là đèo Vài (Vì dưới thung có nhiều cây Vài). Và đèo thứ ba là đèo đền Trần. Hiện nay, đường leo núi này đã được xây các bậc đá rộng. Trên đường đến đền Trần đã dựng 7 chiếc lầu bằng gỗ lim hình bát giác làm nơi nghỉ chân cho du khách khi leo núi.
Tuyến du lịch đường thuỷ kết hợp với leo núi:
Theo tuyến này, du khách sẽ được ngồi thuyền được chở bởi những người dân địa phương thân thiện, nồng hậu và hiếu khách đưa qua 12 hang động, 3 điểm tâm linh theo một lộ trình khép kín, với thời gian hơn 3 tiếng đồng hồ. Xuất phát từ bến thuyền trung tâm, đến đền Trần, qua các hang Địa Linh, hang Tối, Hang Sáng, hang Nấu Rượu, du khách lên thuyền và leo gần 500 bậc đá vào dâng hương tại đền Trần, sau đó lại tiếp tục xuống thuyền qua hang Nấu Rượu đến hang Sính, Hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo, qua hang Sơn Dương và sau đó lên thăm quan phủ Khống, chùa Báo hiếu, rồi tiếp tục lộ trình đến hang Khống, hang Trần, hang Quy Hậu và trở về điểm xuất phát và kết thúc chuyến đi.
- Đền Trình, nằm dưới chân núi theo thế “Ỷ sơn, diện thủy” đã có cách đây hơn một nghìn năm về trước. Trải qua bao phong sương, mưa nắng, sự biến đổi của lịch sử, của thời gian, hiện nay đền đã được trùng tu và sửa chữa khang trang và to đẹp hơn. Đền được xây dựng theo hình chữ đinh, trong chính cung điện của đền thờ Tứ trụ triều đình nhà Đinh (Bốn công thần khai quốc) là: Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sỹ sư Lưu Cơ, và Trịnh Tú. Đây là bốn vị công thần cùng với vua Đinh Tiên Hoàng đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nước Đại Cồ Việt. Phần tiền đường thờ hai vị quan trung thần nhà Đinh tước hiệu là Tả Thanh Trù giám sát Đại tướng quân và Hữu Thanh Trù giám sát Đại tướng quân
- Hang Địa linh: Với chiều dài gần 300m. Đây là hang có nhũ đá đẹp, hiếm có nơi nào có dáng vẻ lộng lẫy như ở đây, hang cũ gọi là hang Châu Báu, vì khi vào trong lòng hang, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho châu báu mà ngày nay đã hoá thạch. Do mới được khai thác, nên nhũ đá còn nguyên vẹn, trắng phau, đẹp lung linh như kim cương, vàng, ngọc. Nếu chiếu đèn vào nó giống một lớp thuỷ ngân lóng lánh. Tất cả tạo ra một vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng đúng như tên gọi của nó: Địa Linh.
- Hang Tối: Với chiều dài 320m. Cũng có thể với sự quanh co, uốn khúc nên ánh sáng không vào được, mà người dân đã gọi là hang Tối. Chính bởi tên gọi đó càng tăng thêm sự hiếu kỳ muốn tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp từ nghìn xưa để lại cho vùng đất này, rất gần gũi và cũng rất xa xăm.
- Thung tối ngoài: Là cảnh “núi bốn xung quanh, nước bốn mùa” với bốn cửa hang ở bốn phía gồm hang Seo, hang Ba Giọt, hang Sáng, hang Tối, tượng trưng như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, như bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, tạo nên cảm giác dường như vẻ đẹp của đất trời được dồn hết về đây.
- Hang Sáng: Tên gọi là hang Sáng, nhưng vào đây du khách vẫn phải dùng đèn vì hang dài 112m, rộng 12m và gấp theo hình thước thợ. Trần hang có nơi cao 12m, xung quanh có nhiều khối nhũ đá đẹp, buông thả từ trên trần hang xuống gắn liền với nhiều tên gọi dân gian. Mỗi hang động, người xưa đặt tên đều mang một ý nghĩa riêng. Từ “Hang Tối” đến “Hang Sáng” chính là khát vọng của con người: Hết mưa là nắng, tối rồi sẽ sáng, qua đông tàn là cảnh xuân sang. Có lẽ phong cảnh cũng thật hài hoà với lòng người, do vậy mà người xưa đặt tên cho hang như muốn gửi gắm một triết lý nhân văn sâu sắc.
- Hang Nấu Rượu: dài khoảng 250m. Tương truyền, trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, nối ra khu vực Cố đô Hoa Lư. Xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước nấu rượu tiến vua, trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học, các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều bình gốm, hũ, vại, và các dụng cụ để nấu rượu nên hang này gọi là hang Nấu Rượu.
- Đền Trần: Đền được xây dựng từ thời nhà Đinh, là một trong “Hoa Lư tứ trấn”, với tên gọi là Đền Nội Lâm (trong rừng). Đến thế kỷ thứ XIII, vua Trần Thái Tông cho tu sửa lại nên gọi là đền Trần. Đền là nơi thờ tự Trung Hưng tướng Quý Minh – một trong hai vị tướng trấn ải xứ Sơn Nam và Hoàng Phi quý nương là phu nhân của ông. Ngoài giá trị về kiến trúc đá độc đáo, đặc sắc, Ngôi đền rất linh thiêng, là nơi mà khách thập phương đến cầu an, cầu phúc, cầu tự.
- Hang Sính, Hang Si, hang Ba Giot chính là truyền thuyết về một mối tình đầy bi tráng và lãng mạn của một chàng trai với một cô công nương thuở trước. Trong hang những khối nhũ đá tạo ra muôn hình vạn trạng như con rùa, cây đèn, dàn hoa thiên lý…
- Phủ Khống: Xây dựng theo hình chữ Đinh, nằm sát chân núi, là nơi thờ vị quan trấn ải phía nam Kinh đô Hoa Lư và bảy vị quan tuẫn tiết trung thần nhà Đinh đã khâm liệm và an tang Vua Đinh Tiên Hoàng trong khu vực núi rừng Tràng An. Chữ “Khống” đây chính là bí ẩn về vị trí lăng mộ Vua Đinh Tiên Hoàng cho tới tận ngày nay.
-Hang Khống: Hang có chiều dài 70m, đây chính là kho quân sự, xưởng sản xuất vũ khí trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Đảng bộ và nhân dân Ninh Binh.
Bái Đính
Nói đến Bái Đính là nói đến vùng đất “địa linh – nhân kiệt”. Đây là nơi mà Quốc sư Nguyễn Minh Không thời nhà Lý tu Phật và hành lễ trên đỉnh núi rồi đặt tên cho núi, cho chùa. Dấu chân của đức Thánh Nguyễn dày đặc khắp các nơi
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất…là sự tiếp nối tâm linh từ ngàn năm trước chuyển tiếp đến ngàn năm sau. Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy, những pho tượng có nét uy nghi, bao dung, nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế, tài tình cùng cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, không gian tâm linh thanh tịnh bao trùm khiến mỗi khi bước chân đến đây, người người thư thái, lòng sáng, tâm tịnh, hướng đến Chân - Thiện – Mỹ. Đặt chân đến Bái Đính, ta có thể chiêm ngưỡng ngay trước mắt Tam Quan hoành tráng cao gần 17 mét. Đây chính là ranh giới giữa cõi thiêng và cõi tục. Chỉ cần bước chân qua Tam Quan, người ta có thể hòa mình vào không gian tâm linh thanh tịnh. Tiếp đó là chuông đồng nặng 36 tấn, được treo trên tháp cao với tiếng ngân vang vọng, lan tỏa khắp nơi, xua tan mọi nỗi thống khổ, cảnh tỉnh chúng sinh. Hành lang dài với 500 vị La Hán, là con đường đưa ta đến gần với cõi Phật. Các pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tất, Phật Thích Ca Mầu Ni bằng đồng lớn nhất Việt Nam mang trên mình bao nét uy nguy, bác ái, đem niềm tin về những điều thiện gieo vào lòng người. Một công trình kiến trúc đồ sộ, tinh tế được đặt giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Nhìn từ xa, khu chùa Bái Đính như đang tựa mình bên sườn đồi xanh thẳm. Cảnh sắc lung linh huyền ảo cùng không gian thiêng rộng lớn đã đưa Bái Đính trở thành một bức tranh tâm linh vừa tuyệt mĩ, vừa cổ kính.
Nói đến Bái Đính là nói đến vùng đất “địa linh – nhân kiệt”. Đây là nơi mà Quốc sư Nguyễn Minh Không thời nhà Lý tu Phật và hành lễ trên đỉnh núi rồi đặt tên cho núi, cho chùa. Dấu chân của đức Thánh Nguyễn dày đặc khắp các nơi. Ông sinh ra tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Sinh thời, Nguyễn Minh Không là một thầy thuốc tài ba bậc nhất, là một nhà sư tài cao đức trọng. Ông đã phát hiện ra nơi tiên cảnh, núi lại hướng về phía Tây như chầu về đất Phật, rừng núi mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý. Và ông đã dừng lại nơi đây để tu hành và biến nơi đây thành “vườn sinh dược” (có nghĩa là vườn thuốc quý) để cứu sinh độ thế muôn dân. Ông đã trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cho chúng sinh nhờ vào những loại thuốc quý có sẵn nơi đây và một số loại ông đưa từ nơi khác về trồng. Qua đây, ta có thể thấy sự nghiệp tu hành của đức Thánh Nguyễn gắn liền với “cứu nhân độ thế”. Ông còn được coi là thần y khi chữa bệnh “hóa hổ” cho nhà vua Lý Thần Tông (1128-1138). Lưu truyền rằng: Khi sư Đạo Hạnh sắp trút xác, bèn đem thuốc và thần chú giao cho Nguyễn Minh Không và căn dặn “20 năm sau nếu thấy Quốc Vương bị bệnh nặng thì đến chữa ngay”. Sau khi thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bệnh nặng, mình mọc đầy lông lá, tiếng như hổ gầm, quan quân vô cùng sợ hãi. Các danh y tài giỏi từ khắp nơi được triệu đến chữa bệnh cho vua nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Khi đó trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao của lũ trẻ chăn trâu rằng:
”Bổng bồng bông, tập tầm vông
Ở làng Điềm xá, có Nguyễn Minh Không
Chữa được bệnh cho đức Thần Tông.”
Nguyễn Minh Không lúc bấy giờ đang tu hành ở núi chùa Bái đính, được mời về Kinh đô để chữa bệnh cho nhà vua. Khi đến nơi, ai ai cũng nhìn ông với ánh mắt nghi ngờ, có người dè bỉu vì vẻ bề ngoài quê mùa của ông, Nguyễn Minh Không liền lấy một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc đóng sâu vào chiếc cột lim rồi nói: “Ai rút được chiếc đinh này ra thì người đó sẽ chữa được bệnh cho nhà vua”. Tất cả các danh y dù trong lòng có chút nghi ngờ nhưng vẫn tranh nhau mặc sức nhổ chiếc đinh đó, nhưng không tài nào nhổ được. Lúc đó, Nguyễn Minh Không chỉ dùng hai ngón tay kẹp lại , rồi nhẹ nhàng nhổ nhẹ chiếc đinh ra khỏi cột, khiến cho mọi người không khỏi khiếp phục. Tiếp đó, ông sai lấy một vạc dầu lớn đun sôi, thả vào đó một trăm chiếc kim và hỏi :”Có ai dùng tay lấy đủ 100 chiếc kim trong này ra không?”. Tất cả đều rùng mình lắc đầu không dám. Ông liền thò tay vào vạc dầu đang sôi sùng sục, quậy lên khoảng ba bốn lần rồi vớt đủ 100 cái kim. Sau đó, Nguyễn Minh Không lấy nước dầu sôi tắm cho nhà vua, lấy kim châm vào các huyệt, dầu dội đến đâu, lông lá trút hết đến đó. Bệnh liền bớt ngay. Nhà vua, các quan thần cũng như những người có mặt ở đó vô cùng kính phục trước tài phép của Nguyễn Minh Không. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Ông trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu. Là một nhân vật có thật, có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân nhưng đôi khi có những “hành trạng” kỳ bí, thực thực hư hư nên người Việt tôn sùng ông là đức Thánh Nguyễn.
Không chỉ là một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý là Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, và vạc Phổ Minh. Tương truyền rằng, ông một mình sang Trung Quốc để chữa bệnh cho Thái tử con vua phương Bắc. Được vua thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu nhưng Nguyễn Minh Không chỉ xin một ít đồng đựng đầy túi ba gang của mình. Nhà vua nhìn thấy chiếc túi của ông, liền đồng ý, cho phép ông vào kho lấy đồng. Kỳ lạ thay, ông đã thu hết cả mười kho đồng mà vẫn chưa đầy túi ba gang. Sau đó, ông mang túi đồng xuống thuyền để về nước, nhưng không chiếc thuyền nào chịu nổi sức nặng của lượng đồng ông mang theo. Do đó, ông bèn cưỡi nón tu lờ thay cho thuyền để xuôi về quê hương. Về nước, Nguyễn Minh Không đã mang lượng đồng gom được từ Bắc quốc, đúc thành bốn vật báu quý giá của nước ta: tháp Báo Thiên cao 20 trượng; gồm 12 tầng với đỉnh tháp hoàn toàn bằng đồng, các tầng còn lại được chạm khắc tinh tế bằng gạch, đá; chuông Quy Điền nặng gần 8 tấn đồng; tượng Phật Quỳnh Lâm cao tới sáu trượng, vạc Phổ Minh sâu tới 4 thước. Ông là người có công lao to lớn, đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phát triển văn hóa dân tộc Việt về các mặt: y học, kiến trúc mỹ nghệ, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác. Mang trong mình lòng khâm phục và sự biết ơn, người dân Ninh Bình, Nam Định cũng như một số tỉnh thành khác đã đúc tượng, lập đền thờ để đức Thánh Nguyễn trường tồn mãi cùng thời gian.
Có thể nói Bái Đính là nơi hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc và của nhân kiệt xuất chúng. Thiên nhiên tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho những người con Ninh Bình phong cảnh sơn thủy kỳ tú, nhưng cũng chính con người cũng góp phần tôn vinh và làm đẹp thêm phong cảnh của tạo hóa. Tất cả những điều đó đã đưa Bái Đính trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh, đa sắc màu, ngàn năm tâm linh, ngàn năm huyền thoại.