Hà Nội - Làng Cổ Đường Lâm - Làng lụa Vạn Phúc - Chùa Tây Phương
Thời gian: 01 ngày
Giá: 650.000vnd/khách
Contact: 0967931507
08.00 Xe và hướng dẫn viên của du lịch Minh Anh - MAC travel sẽ đón Quý khách tại điểm hẹn khởi hành tới làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội 50km.
09.00 Quý khách dừng chân thăm làng nghề chạm khắc gỗ Sơn Đồng. Những bức tượng từ làng Sơn Đồng đã có mặt trong rất nhiều ngôi chùa và đình làng cổ khắp các tỉnh Bắc bộ. Quý khách ghé thăm nhà một số nghệ nhân, tìm hiểu các kỹ thuật chế tác tượng, sơn son thếp vàng tinh xảo chỉ có tại đây.
09.30 Quý khách tiếp tục chương trình đến làng cổ Đường Lâm.
10.15 Đến làng cổ Đường Lâm, Quý khách qua cổng làng cổ, thăm đình làng Mông Phụ, phủ Bà chúa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía – Ngôi chùa có nhiều tượng phật cổ nhất Việt Nam. Quý khách đi bộ dọc làng, vào thăm nhà cổ và thưởng thức các đặc sản: rượu nếp, chè lam.
12.30 Quý khách ăn trưa tại nhà cổ. Sau bữa trưa, Quý khách tự do tham quan nhà cổ.
15.00 Quý khách thăm chùa Tây Phương – Ngôi chùa nổi tiếng với các bức tượng La hán. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho kiến trúc của một ngôi chùa cổ miền Bắc.
16.30 Đến làng lụa Vạn Phúc – Làng nghề dệt lụa truyền thống lâu đời nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Quý khách tìm hiểu quy trình dệt lụa và tự do mua sắm.
17.30 Xe và hướng dẫn viên đưa Quý khách trở lại điểm đón, chia tay Quý khách, kết thúc chương trình Tour du lịch làng cổ Đường Lâm 1 ngày nhiều ý nghĩa.
Giá Tour: 650.000đ/ Khách
Contact: 0967931507
* Dịch vụ bao gồm:
- Xe ôtô máy lạnh đời mới đi theo chương trình.
- Ăn 1 bữa trưa theo chương trình
- Hướng dẫn viên kinh nghiệm suốt tuyến.
- Vé thắng cảnh. - 01 chai nước/01 khách. .
* Dịch vụ không bao gồm:
- Chi phí cá nhân, bảo hiểm
- Bữa sáng đầu tiên, hương hoa, đồ lễ…
- Xe đạp ( 50.000đ/ xe )
- Thuế VAT. .
*Giá cho trẻ em:
- Trẻ em dưới 5 tuổi miễn phí.
- Từ 5 – 9 tuổi bằng 70% giá vé.
- Từ 10 tuổi trở lên bằng người lớn.
Làng cổ Đường Lâm
Đường Lâm, tên nôm na gọi là Kẻ Mía. Tục danh này bắt đầu từ cái tên Cam Giá (mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ, trong đó Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng… (nay thuộc huyện Ba Vì); Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm ngày nay. Vào đầu thế kỷ XIX, Đường Lâm là nơi đặt sở lỵ của trấn Sơn Tây. Khu vực làng cổ hiện nay địa giới vốn thuộc các làng Sàng Mông Phụ, Đông, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm nằm cạnh nhau. Các làng này nối liền với nhau thành một khu vực nên có phong tục, tập quán, tín ngưỡng giống nhau.
Đây là quê hương của nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Chúa Mía (vương phi của Chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại (Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 nhiệm kỳ), Hà Kế Tấn (Bộ trưởng Bộ Thủy lợi 1964-1973), Phan Kế An (Họa sĩ vẽ tranh biếm họa của báo Sự thật)…
Ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, giếng nước, ruộng, gò, đồi, miếu, chùa…
Cổng làng cổ nằm ở làng Mông Phụ, quay về hướng Đông Nam, là một ngôi nhà hai mái nằm ngay trên đường vào làng, bên cạnh là cây đa hơn 300 tuổi, bến nước, ao sen… tạo ra một cảnh quan nguyên vẹn hiếm có tính đến thời điểm hiện nay.
Từ cổng làng đi vào làng trên những con đường lát gạch sạch sẽ, đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến cho du khách cảm nhận được sự ấm cúng, bình yên của ngôi làng.
Đường xá được xây dựng theo hình xương xá với nhiều đường ngõ nhỏ với đình làng Mông Phụ là khu vực Trung tâm, với cấu trúc này nếu đi từ đình ra sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Cấu trúc này cũng tạo ra một không gian rộng lớn ở trung tâm làng, là nơi giao lưu văn hóa, diễn ra các lễ hội truyền thống vào các ngày Lễ, Tết… Và cấu trúc này cũng khiến cho cư dân trong làng có môi trường sống an toàn.
Làng cổ Đường Lâm có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời, từ những năm 1649, 1703, 1850… đều được xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là: đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa,…
Nhà thường được xây dựng với mô hình 5 gian hay 7 gian 2 dĩ, gắn liền với nhà là sân, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại, bình phong, cao, cây rơm, cổng có mái che…
Ngoài ra làng cổ Đường Lâm còn có một hệ thống các nhà thờ họ, miếu, quán đình, chùa, giếng cổ… nằm trong một môi trường cảnh quan sinh động và trù phú đã tạo thành một điểm nhấn thú vị cho vùng đất Sơn Tây và Hà Nội.
Nét cổ nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hoá với kiến trúc vòm, lớp đá ong cổ. Vốn dĩ làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1833, trên còn tựa dòng chữ “thế hữu hưng ngơi đại”, tạm hiểu là “thời nào cũng có người tài giỏi”.
Làng lụa Vạn Phúc
Theo truyền thuyết, khoảng 1.200 năm trước, bà Lã Thị Nga - vợ của tướng quân Cao Biền nhà Đường theo chồng sang cai quản Giao Châu (tên gọi khi đó của Việt Nam). Trong thời gian sống ở Vạn Phúc, bà đã dạy dân cách ươm tơ, dệt lụa. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng đã tôn bà làm Thành hoàng làng, thờ tại đình làng Vạn Phúc và lấy ngày 10/8 âm lịch (ngày sinh của bà) và 25/12 âm lịch (ngày mất của bà) làm ngày tế lễ và giỗ tổ hàng năm.
Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đều là những tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn mỹ. Hàng lụa trơn thì mịn óng, mềm mại, nuột nà. Hàng dệt hoa thì mầu sắc khi óng ánh, khi trang nhã, hoa văn khi chìm, khi nổi. Để tạo ra được những sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo nói trên, người thợ dệt phải thực hiện một quy trình sản xuất phức tạp bao gồm nhiều khâu như: tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi. Ngay từ khâu tơ, người thợ không chỉ quấn sợi vào ống đơn thuần mà còn phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo sợi tơ có màu trắng, bóng nhẵn, không sùi lông, trị số tơ phải đều, sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng sợi dọc, sợi ngang. Sợi sau khi tơ phải đem hồ. Việc hồ sợi chỉ thực hiện với loại sợi dọc và đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Người thợ phải pha thêm sáp ong vào hồ để hồ sợi đồng thời sử dụng bí quyết riêng làm cho sợi sau khi hồ vừa dẻo dai, vừa bóng rồi dùng khung cửi để dệt. Nếu dệt lụa trơn thì dùng 2 loại go thẳng và go vòng. Go thẳng để dệt lụa mỏng, mịn còn go vòng dệt lụa có chấm thủng. Dệt hoa có thao tác như dệt trơn nhưng khác ở chỗ trước khi dệt cần phải vẽ trước kiểu hoa lên giấy. Thợ dệt đặt mẫu lên bàn khâu hoa rồi một người dệt, một người cài hoa. Giữ vai trò chính là người dệt còn người cài hoa chỉ kéo go xà lên. Dân gian gọi dệt hoa là dệt kép để phân biệt với cách dệt đơn khi làm hàng lụa trơn. Ở khâu nhuộm thì không phải loại lụa nào cũng đem nhuộm mà có loại để trắng tinh khiết, ngả màu vàng ngà như lụa nõn. Có loại được nhuộm màu ngay từ khâu sợi như gấm, vóc nhưng có loại như lĩnh, the chỉ nhuộm khi đã dệt xong.