Đồ Sơn là một trong số những điểm du lịch biển có thể coi là khá đẹp,nơi đây có sự kết hợp giữa một bên là núi non, với hàng ngàn cây phi lao, thông, cọ,… còn một bên là biển cả mênh mông đỏ màu phù sa tạo nên một phong cảnh “non nước hữu tình”. Cát ở Đồ Sơn có màu đỏ hồng vào lúc hoàng hôn, nhưng lại óng vàng vào buổi sáng, như có sự giao thoa giữa trời và đất. Du khách đi du lịch biển Đồ Sơn sẽ thấy một điều, đó là cát Đồ Sơn rất mịn, ít vỏ sò vỏ hàu, lại dễ dàng thành thú vui cho những bạn nhỏ, và tạo sự sảng khoái cho hầu hết người tắm. Bãi tắm của Đồ Sơn phù hợp với những chuyến tour du lịch hè chia ra làm 3 khu chính: Khu 1 nằm ngay đầu của quận Đồ Sơn, Khu 2 có nhiều khách sạn hiện đại, cao cấp. Khu 3: khá yên tĩnh và kín đáo.
Du lịch Đồ Sơn có thể đến đi quanh năm nhưng có hai thời điểm mà nơi đây đông đúc và náo nhiệt hơn cả, đó chính là khoảng thời gian đầu năm với nhiều lễ hội và sự kiện hấp dẫn và khoảng thời gian mùa hè nóng bức, mọi người đa số đến đây để tận hưởng không khí mát mẻ cùng khoảng thời gian bên nhau và đặc biệt là tận mắt xem lễ hội chọi trâu nổi tiếng cả nước.
Cứ vào mỗi dịp Tết đến, người dân khắp nơi lại đổ về Đồ Sơn viếng thăm đền Bà Đế, cầu phúc cho mưa thuận gió hoà, nhà nhà êm ấm. Đầu năm ở biển Đồ Sơn còn lễ hội đảo Dấu. Vào ngày này, người dân Đồ Sơn nói riêng và người dân buôn bán khắp nơi đi thuyền ra đảo cúng và thắp hương cầu may cho một năm buôn bán thuận lợi và sức khỏe bình an.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức hàng năm cũng là nét nổi bật đặc trưng của vùng biển tuyệt đẹp này thu hút sự chú ý của nhiều người dân trong cả nước. Lễ hội chọi trâu gồm 2 vòng: Vòng sơ loại vào ngày 8 tháng 6 âm lịch và vòng chung kết vào ngày 9 tháng 8 âm lịch, thu hút rất đông du khách cả ở trong và ngoài nước.
Và cuối cùng, có lẽ Đồ Sơn nhộn nhịp nhất, tưng bừng nhất là suốt khoảng thời gian mùa hè. Du khách đến đây muốn tắm biển thư giãn, tránh cái nóng gay gắt của mùa hè thì có thể đi vào dịp từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Lúc ấy là lúc biển Đồ Sơn đẹp hơn bao giờ hết, với nắng vàng, bãi cát trải dài, sóng vỗ ào ạt và phong cảnh như bừng sáng lạ kì.
Đảo Hòn Dấu
Đảo Hòn Dấu chỉ cách đất liền chừng 20 phút đi thuyền. Nét hoang sơ, tĩnh mịch nơi đây được lưu giữ gần như nguyên vẹn bởi những truyền thuyết kỳ thú. Từ bến Nghiêng, bất cứ khi nào du khách cũng có thể lên thuyền ra đảo.
Rừng nguyên sinh ở Hòn Dấu
Khác với rất nhiều hòn đảo trên khắp đất nước VN, loài cây đặc trưng nhất trên đảo Hòn Dấu không phải dừa, phi lao… mà là những gốc cây si cổ thụ tới vài người ôm chưa khép vòng.
Dưới mái vòm lợp bằng lớp lớp tán cây cổ thụ, dây leo chằng chịt, những chùm rễ si buông xuống như tơ liễu, cảm giác vô cùng thơ mộng, thú vị. Rừng ở đây còn vẹn nguyên cả ba tầng thực vật, cơ man những gốc cây cổ thụ to lớn, điểm xuyết những cây thân thảo, thân bò, thân leo gieo vào lòng khách du lịch cảm giác hoang vu.
Những chiếc rễ to bằng bắp chân tua tủa đâm xuống đất tạo thế đứng vững chắc cho cây và làm nên vẻ u tịch, cổ kính. Người ta ví những cây si cổ thụ như “mái nhà” khổng lồ che chắn cho du khách thăm quan. Ngoài ra, dưới gốc cây là những thảm lá vàng, thảm cỏ xanh rì cùng những vạt cúc dại nở hoa trắng, vàng xen nhau đầy thơ mộng.
Cây đèn biển hơn trăm tuổi mệnh danh là mắt ngọc của tổ quốc lại là một nét nhìn mới lạ khác với khách du lịch. Đèn Hòn Dấu được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 - 1896. Tháng 6-1898, đèn chính thức hoạt động.Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đèn đã bị thả bom nhiều lần nên hư hại nặng. Nhưng sau này, đèn được xây dựng lại nhưng hầu như vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.
Đèn cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo và trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 40km. Những con tàu đi biển xa khi bắt được ánh hải đăng Hòn Dấu là được trở về bến đậu. Biết bao lượt du khách đã bước theo những bậc cầu thang gỗ bóng lừ để lên đến đỉnh ngọn đèn.
Cảm giác khi đứng trên độ cao hàng chục mét mà đón cơn gió căng tràn sức sống của biển thật sảng khoái, vời vợi.
Trên lầu Vọng gió, bạn tự thưởng cho mình một giấc ngủ nhẹ nhàng giữa bao la mây trời và sóng nước, hay trong ngôi nhà bảy gian tám gian được xây từ thời Pháp thuộc đã gần thế kỷ sẽ làm giàu thêm ký ức và xúc cảm của mỗi người. Cũng là đến Đồ Sơn nhưng nếu ra thăm đảo Hòn Dấu có lẽ sự thú vị của chuyến du lịch sẽ tăng thêm rất nhiều.
Đền thờ Nam Hải Thần Vương
Trên đảo có đền thờ Nam Hải Thần Vương-một vị tướng thời Trần. Đây là ngôi đền đã có từ rất lâu đời, nay mới được người dân tại Đồ Sơn sửa chữa mới. Vẻ đẹp và sự linh thiêng của đền được tôn lên nhờ những cây si bao phủ, ở bên dưới là bãi sỏi uốn lượn che chắn vững chắc.
Theo truyền thuyết, sau một trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, người dân thấy một tử thi cụt đầu trôi vào đảo. Nhìn quần áo của ngài, biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con bèn đắp mộ, rồi lập đền thờ. Tương truyền thần Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Chính vì lẽ đó, trải qua hàng trăm năm, đảo Hòn Dấu vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ.
cách Hà Nội không xa, giao thông rất tiện nên người ta có thể chỉ cần 2 ngày cho tour du lịch Đồ Sơn – Hải Phòng, hoặc thậm chí “tàu nhanh”, xuất phát từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng, đến 9 giờ đêm rời Hải Phòng cũng đã đủ cho một chuyến ra biển.
Để đến du lịch biển Đồ Sơn – Hải Phòng, du khách có thể chọn đi bằng đường tàu hỏa hoặc đường bộ với phương tiện là xe khách.
Bắt đầu từ Hà Nội, nếu không đi xe riêng, du khách có thể bắt xe khách từ bến Yên Nghĩa (Hà Đông), bến Lương Yên, Giáp Bát hoặc bến Gia Lâm đều hết sức thuận tiện, chỉ 10-20 phút/chuyến xe, giá vé 70.000 đồng/khách, xe máy lạnh êm ru, thời gian hành trình mất 2-2,5 giờ cho quãng đường 100 km.
Nhưng hầu hết các gia đình khi đến đây họ đều chọn hình thức đi xe riêng, vừa thoải mái lại có trọn vẹn thời gian vui vẻ bên nhau. Như thế chuyến xe chỉ phải thẳng tiến tuyến đường QL5 đi Hải Phòng là sau tầm 2 tiếng đồng hồ, bạn đã có mặt tại khu du lịch Đồ Sơn ( lưu ý khi đi xe riêng bạn phải mang theo đầy đủ giấy tờ để có một chuyến du lịch thực sự vui vẻ nhé)
Còn nếu bạn chọn đi du lịch Đồ Sơn bằng tàu hỏa thì bạn có thể mua vé các chuyến tàu đến Hải Phòng lúc 6h30, 9h15, 15h, 18h tại ga Hà Nội, ga Long Biên hoặc ga Gia Lâm. Nhược điểm duy nhất của việc đi tàu là đến Hải Phòng rồi bạn lại tiếp tục phải di chuyển bằng xe buýt hoặc taxi để đến trung tâm khu du lịch. Nếu đi xe bus bạn đứng chờ xe số 3 cách đều 20 – 30 phút lại có một lượt, giá vé 10.000 đồng/lượt. Còn nếu đi taxi, có thể gọi taxi với mức giá dưới 300.000 đồng/một chiều cho quãng đường gần 30 km ra bãi tắm, taxi Én Vàng, Hoàng Anh thường có gói ra Đồ Sơn giá rẻ.
Bến thuyền Đồ Sơn cách trung tâm Hải Phòng chừng 20 km do vậy du khách nên lựa chọn taxi để tiếp tục di chuyển. Giá thuê một thuyền là 400.000 đồng ra đảo Hòn Dấu cho cả hai chiều đi và về.
Trên đảo Hòn Dấu có khu rừng nguyên sinh lớn do vậy du khách nên mang theo kem chống muỗi để sử dụng.
- Nếu lựa chọn nghỉ qua đêm trên đảo, bạn có thể mang thêm lều để cắm trại trên bờ biển cùng bạn bè.
- Nên mang theo quần áo dài tay nếu bạn có ý định ghé qua đền thờ Nam Hải Thần Vương.
Khách sạn
Khi xe bắt đầu vào khu 2, rất nhiều xe ôm đã lao ra chạy vè vè chèo kéo khách về khách sạn. Nếu bạn là người lần đầu đến Đồ Sơn thì không nên nghe những xe ôm này, nên tránh xa khu Xây Dựng nếu bạn muốn có một đêm yên tĩnh nghe tiếng sóng biển rì rào.
Nơi ở lý tưởng chính là các biệt thự trên đồi ở khu 3, đó là các biệt thự cũ từng dùng cho nguyên thủ trong thế kỷ trước. Các biệt thự nổi tiếng là Trúc Đào, Hoa Lan, giá phòng cũng chỉ 400.000-800.000 đồng/đêm, tùy mùa và tùy ngày, cuối tuần vào mùa hè là thời điểm đắt nhất, giá phòng có thể lên tới hơn 1 triệu đồng/đêm. Ở những biệt thự này có thể ngắm bình minh lên ngay từ cửa sổ bởi vị trí của căn biệt thự ở trên sườn đồi, tầm nhìn bao quát ra biển.
Biệt thự Bảo Đại thuộc khu III Đồ Sơn
Ngoài ra, một số khách sạn chất lượng, giá hợp lý và đi lại thuận tiện mà bạn cũng có thể tham khảo và đặt phòng :
– Khách sạn gần biển Bank Star Hotel: vô cùng thuận lợi cho việc đi ra biển và tham quan một số địa điểm khác
– Khách hạn Hoa Phượng : thuộc khu bãi tắm biển II – Đồ Sơn, ấn tượng bởi sự phục vụ nhiệt tình của đội ngũ nhân viên.
– Khách sạn Hải Âu: cũng nằm ở khu bãi tắm II nhưng sang trọng, tiện nghi hơn với nhiều loại phòng cho du khách lựa chọn. Tìm hiểu thêm tại
– Khách sạn Vạn Thông: nằm ở khu II, giá bình dân, phòng cũng rất sạch sẽ, đi lại khá thuận tiện.
Điểm nghỉ trên đảo Dấu
Toàn đảo chỉ có khu nhà điều hành ngọn hải đăng Hòn Dấu có dịch vụ cho khách muốn nghỉ lại ban đêm. Giá thuê một phòng ở đây rơi vào khoảng 200.000 đồng.
Ăn uống
Về mặt tài chính, đang là giữa mùa du lịch biển hè nhưng bạn đừng lo chi phí, nếu có vài chục triệu bạn sẽ chi tiêu thoải mái nhưng nếu là người không giàu, chỉ cần 1-2 triệu đồng cũng đủ để bạn và gia đình ăn uống khi đi du lịch đồ sơn hòn dấu 2 ngày 1 đêm.
Trước khi ra Đồ Sơn, bạn nên ghé qua trung tâm TP.Hải Phòng để ăn bát bánh đa cua biển cho ấm bụng. Nếu bạn chọn xuống xe ở bến Lạc Long hoặc bến Tam Bạc, bạn nên bắt taxi hoặc xe ôm đi một vòng quanh thành phố, ngắm nhà hát thành phố xây dựng từ năm 1904. Bạn kêu xe đi tiếp theo đường Cầu Đất (cùng đường ra Đồ Sơn) đến ngõ 195 Cầu Đất, ăn một bát bánh đa cua bể. Dù là quán ăn trong ngõ nhưng chỉ cần nhìn vào nồi đựng càng cua vàng ruộm, mùi cua thơm lựng, thực khách bị hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Giá bánh đa cua biển từ 25-50.000 đồng/bát, tùy bạn có gọi càng cua hay không. Dù ăn với mức giá nào thì hầu như ai cũng chỉ để lại chiếc bát không bởi nước dùng quá ngon, với vị ngọt tự nhiên của hải sản chứ không phải của bột nêm hay mì chính.
Đảo Hòn Dấu không có dịch vụ ăn uống cho khách nghỉ qua đêm do vậy bạn cần chuẩn bị đồ ăn trước khi lên đảo.
Ban ngày, bên cạnh khu nhà điều hành có một quán nhỏ phục vụ du khách. Tuy nhiên quán này cũng chỉ bán nước uống và mỳ ăn liền cho khách có nhu cầu.
Ngoài bánh đa cua bạn nhất định phải thử khi đến đây, một số món ăn ngon khác tại biển Đồ Sơn mà bạn không thể bỏ lỡ:
– Bánh mì cay Hải Phòng : là món ăn vặt không thể chối từ khi bạn vừa tắm biển xong. Chiếc bánh nhỏ mà hương vị của pate của nước sốt cay cay đọng lại trong miệng không thể nào quên.
– Ốc xào Hải Phòng: là đặc trưng ẩm thực đường phố của Hải Phòng. Các gia vị gồm một số gia vị chỉ có ở Hải Phòng được tẩm ướp vừa miệng, kết hợp nước chấm ốc thơm nồng chua ngọt khiến ngay cả thực khách khó tính nhất cũng phải dừng chân nếm thử.
– Lẩu cua đồng, nem cua bể: buổi tối mà được thưởng thức những món ăn này cùng gia đình thì còn gì tuyệt vời hơn. Là đặc sản Đồ Sơn – Hải Phòng, nem cua bể thì đặc biệt ấn tượng bởi phần thịt cua ngọt, chắc và phần gạch cua ngon béo ngậy đặc trưng; còn nồi lẩu cua đồng thì khói bay thơm nức mũi, phảng phất hương vị của biển cả mà bạn chỉ có thể tìm thấy khi ăn chúng ngay tại vùng biển này thôi.