1. Khu di tích Pác Bó
Khu di tích Pác Bó nằm tại bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 52 km về phía Bắc. Đây là khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt của Cao Bằng, gồm nhiều địa danh gắn liền với những sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng, như nhà tưởng niệm Bác Hồ, núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Cốc Bó… Ngoài những địa danh trên, nơi đây còn nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng làm say lòng du khách. Chính sự kết hợp hài hòa giữa di sản lịch sử và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp này đã khiến khu di tích Pác Bó trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Cao Bằng.
Suối Lê-Nin (ảnh sưu tầm )
2. Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, là một trong những thác nước lớn và đẹp nhất ở Việt Nam. Khác với nhiều ngọn thác khác, thác Bản Giốc không chảy thẳng đứng từ trên xuống, mà được chia tách thành nhiều tầng đá vôi nối tiếp nhau. Điều này tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng, khi những mảng trắng xóa của dòng nước đổ xuống, đan xen với sắc xanh tươi tốt của cây cỏ xung quanh.
Đến thác Bản Giốc, bạn sẽ có nhiều lựa chọn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của ngọn thác này, gồm cắm trại, ngồi thuyền ngắm cảnh, hoặc đơn giản là lưu lại những khung hình tuyệt đẹp bên thác nước. Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Cao Bằng tại đây, như cá trầm hương nướng, vịt quay 7 vị và bánh khảo.
Thác Bản Giốc mùa nước đổ (ảnh sưu tầm )
3. Núi Mắt Thần
Núi Mắt Thần còn được gọi là núi Thủng, nằm lọt thỏm trong một thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Tên gọi độc đáo của núi bắt nguồn từ một hang thủng hình tròn phía trên đỉnh, có hình dáng tựa một “con mắt” đang trông xuống hồ Thang Hen bên dưới.
Với vẻ đẹp huyền bí và đầy chất thơ, núi Mắt Thần đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Cao Bằng, đặc biệt là vào khoảng tháng 9, tháng 10. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh hữu tình của thiên nhiên Đông Bắc, mà còn có thể check-in, chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm và tổ chức cắm trại ngoài trời cùng người thân, bạn bè.
Núi Mắt Thần Cao Bằng
4. Chùa Phật Tích Trúc Lâm
Được mệnh danh là một trong những công trình linh thiêng bậc nhất Cao Bằng, chùa Phật Tích Trúc Lâm là điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu thích du lịch tâm linh. Chùa thuộc địa phận huyện Trùng Khánh và cách thác Bản Giốc khoảng 500 m, sở hữu vị trí xây dựng vô cùng thuận lợi. Nhờ thế, du khách có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng xung quanh và không gian cổ kính, nghiêm trang của ngôi chùa.
Vì Cao Bằng có lợi thế khí hậu mát mẻ, dễ chịu nên bạn có thể đến thăm chùa Phật Tích Trúc Lâm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian lý tưởng nhất là từ mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng hằng năm. Vào những ngày này, chùa sẽ tổ chức lễ hội Khán hoa mẫu đơn với quy mô lớn, bạn sẽ có cơ hội bạn ngắm nhìn những đóa mẫu đơn nở rộ và tham gia nhiều hoạt động thú vị.
5. Sông Quây Sơn
Sông Quây Sơn khởi thủy từ huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và bắt đầu chảy trên lãnh thổ Việt Nam tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Suốt hành trình đó, dòng sông uốn mình qua nhiều vùng đất nên thơ, hữu tình, trong đó có thác Bản Giốc – một trong những thác nước đẹp nhất tại Việt Nam.
Nước sông Quây Sơn có màu xanh ngọc bích, uốn lượn quanh co qua những chân núi, thung sâu và ghềnh đá… Dọc hai bên bờ sông, bạn có thể dễ dàng bắt gặp cánh đồng lúa mênh mông, bản làng thanh bình và núi đá vôi hùng vĩ in bóng trên mặt nước. Trong vài năm trở lại đây, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng của du khách, nhiều homestay, farmstay, resort bên bờ Quây Sơn đã ra đời. Tại đây, ngoài nghỉ ngơi, thư giãn, bạn còn được thưởng thức các dịch vụ giải trí như đạp xe đạp, đi thuyền ca nô để ngắm cảnh trên sông. Mặt khác, ở một số đoạn sông, bạn cũng có thể trải nghiệm các bộ môn thể thao thú vị như chèo thuyền kayak hay chèo ván SUP.
6. Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén
Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén có diện tích trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm: Thành Công, Hưng Đạo, Quang Thành, Phan Thành và Tĩnh Túc. Đây là khu rừng đặc biệt nằm trong hệ thống công viên Non nước Cao Bằng, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2018.
Phia Oắc – Phia Đén có địa chất độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái động – thực vật đa dạng và nhiều khoáng sản quý hiếm. Đặc biệt, vào mùa Đông, nơi đây còn có băng tuyết phủ trắng xóa, tạo nên một khung cảnh lung linh tựa tranh vẽ. Hơn thế, vườn quốc gia này còn lưu giữ nhiều dấu tích các khu biệt thự cổ hay nhà nghỉ của các công chức Pháp ngày trước, cho phép bạn cơ hội khám phá không gian kiến trúc châu Âu giữa lòng núi rừng Đông Bắc.
7. Làng đá cổ Khuổi Ky
Làng đá cổ Khuổi Ky nằm trong quần thể khu du lịch thác Bản Giốc, là nơi sinh sống của 14 hộ gia đình người Tày tại Cao Bằng. Khuổi Ky gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo và lạ mắt của những gian nhà sàn đá trăm năm tuổi, cùng vẻ đẹp hoang sơ và trùng điệp của núi rừng xung quanh.
Khi đến thăm làng Khuổi Ky, ngoài check-in tại những ngôi nhà sàn cổ kính, du khách còn có thể tìm hiểu về cuộc sống thường nhật và những nét văn hóa đặc trưng người Tày nơi đây. Đồng thời, bạn cũng có thể di chuyển đến thác Bản Giốc hay động Ngườm Ngao để khám phá thêm vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên vùng Đông Bắc.
8. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao (nghĩa là “động hổ” trong tiếng Tày) nằm ẩn mình trong một ngọn núi hùng vĩ thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, được mệnh danh là “dấu chân địa đàng” của tỉnh Cao Bằng. Động có chiều dài hơn 2.000 m, gồm 3 cửa đã được khai thác để phục vụ du lịch là Ngườm Lồm, Ngườm Ngao và Bản Thuôn.
Đặt chân đến Ngườm Ngao, bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước không gian rộng lớn, kỳ vĩ của hang động này. Nơi đây sở hữu hệ thống nhũ đá đa dạng với những khối đá kỳ ảo lấp lánh dưới ánh đèn. Nổi bật giữa những khối nhũ đá ấy là cột đá cô đơn và khối nhũ đá có hình một đài sen úp ngược, được cho là gắn liền với giai thoại xa xưa về một vị Phật. Hơn nữa, Ngườm Ngao còn gây ấn tượng bởi hình ảnh những thửa ruộng bậc thang được hình thành từ sàn đá vôi sau nhiều năm bị xâm thực và phong hóa.
Sau khi khám phá thạch động, bạn có thể có thể tiếp tục hành trình bằng việc thưởng thức những món ăn đặc sản của huyện Trùng Khánh, như rau dạ hiến, vịt quay, hạt dẻ, lạp xưởng, măng chua… Đồng thời, bạn cũng đừng quên dừng chân tại đèo Mã Phục hùng vỹ hay ghé qua thác Bản Giốc thơ mộng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp động lòng người của non nước Cao Bằng.
9. Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên cao nhất Việt Nam. Hồ sở hữu vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng, được bao quanh bởi dãy núi non hùng vĩ và rừng cây cổ thụ trùng điệp. Đặc biệt, mặt nước hồ Thang Hen luôn mang màu xanh ngọc bích trong vắt suốt quanh năm. Vì lẽ đó, nhiều người đã ưu ái gọi hồ bằng cái tên “Tuyệt tình cốc” của Cao Bằng.
Đến hồ Thang Hen, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng và lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng của khung cảnh thiên nhiên hữu tình nơi đây. Ngoài ra, nếu có dịp tham quan hồ vào tháng 10, bạn nhất định nên ghé thăm và check-in tại vườn hoa dã quỳ vàng rực nằm trong khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen.
10. Đèo Khau Cốc Chà
Đèo Khau Cốc Chà nằm trên Quốc lộ 4A, nối xã Xuân Trường đến trung tâm huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Con đường đèo chỉ dài khoảng 2,5 km, nhưng lại có đến 14 khúc cua uốn mình trên sườn núi cao, tạo thành 15 tầng dốc vô cùng hiểm trở. Dù vậy, nơi đây vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn rất được lòng khách du lịch, nhất là những ai yêu thích cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm.
Từ đỉnh đèo Khau Cốc Chà, bạn có thể đi bộ khoảng 15 phút trên một con đường mòn dẫn lên núi Pác Thốc để check-in và ngắm nhìn toàn cảnh ngọn đèo cùng một phần thung lũng Đồng Mu. Khung cảnh hoang sơ và kỳ vĩ này chắc hẳn sẽ để lại trong bạn những ấn tượng và cảm xúc khó quên, đồng thời làm cho chuyến hành trình đến Cao Bằng càng thêm ý nghĩa.